Hãy chấm dứt cơn hoang tưởng ‘làm giàu không khó’
Làm giàu mà không khó, tại sao nước mình mãi vẫn chưa giàu? Phải chăng những “chuyên gia dạy làm giàu” kia sẽ sớm trở thành anh hùng của đất nước nếu như họ làm được cuộc cách mạng chia sẻ vĩ đại?
Bí quyết giàu của những người… chưa giàu
Sáng nào tôi cũng phát mệt vì phải xoá đủ các thể loại những tin nhắn, email mời gọi tham gia các khoá học làm giàu, nào là “Cơn lốc triệu phú” – “Đánh thức giấc mơ triệu đô của bạn”,… Những câu từ quảng cáo sống động và truyền đầy cảm hứng làm bạn cảm thấy như chỉ cần giơ tay ra là nắm được bí quyết làm giàu, cơ hội đổi đời như đang sáng bừng lên trước mắt.
Nhưng rồi tôi tự hỏi “Làm giàu mà không khó, tại sao nước mình mãi vẫn chưa giàu?” Phải chăng những “chuyên gia dạy làm giàu” kia sẽ sớm trở thành anh hùng của đất nước nếu như họ làm được cuộc cách mạng chia sẻ vĩ đại?
Có cầu chắc chắn sẽ có cung, hãy thử hỏi bất kỳ một bạn trẻ, đặc biệt là một bạn sinh viên Việt Nam mới ra trường cùng một câu hỏi “Điều gì làm bạn quan tâm nhất hiện nay?”, bạn sẽ sớm nhận ra có thể có nhiều loại câu trả lời, nhưng chắc chắn không ít trong đó sẽ là: “Tiền – và làm thế nào để sớm thật có nhiều tiền?”
Giàu có và làm giàu là một khát vọng nhân bản và chính đáng, điều đó không có gì phải bàn cãi.
Tuy nhiên, đánh vào tâm lý muốn giàu nhanh, giàu gấp mà ít tốn sức, ít phải nghĩ, ít phải làm việc, mà chỉ cần theo một công thức bí truyền nào đó… của một bộ phận không nhỏ giới trẻ Việt, các “chuyên gia hàng đầu” tự phong được dịp lên ngôi nhanh chóng. Thông tin về những khoá học làm giàu thần thánh có mãnh lực biến đổi số phận của những người tham gia chỉ sau vài ngày dự lớp được lan truyền khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, đến mức các quân đoàn đa cấp cũng phải e dè ngả mũ.
Lại một lần nữa tôi không giải nổi thắc mắc của chính mình: giữa một đất nước còn nghèo, lấy đâu ra nhiều “chuyên gia” vừa giàu, vừa rảnh rang, vừa nhiệt tâm sẵn lòng chia sẻ bí kíp thành công với xã hội đến vậy?
Tiền dễ đến sẽ thế nào?
Đã bao giờ các bạn trẻ tự dừng lại vài phút để tự hỏi những “chuyên gia kiến tạo sự thịnh vượng” kia là ai? Họ đã làm giàu như thế nào? Họ có thành tựu gì xuất chúng xứng đáng để bạn mang mồ hôi của bố mẹ hoặc bản thân cống nạp để nghe họ giảng vài giờ hay vài ngày mà mong đổi đời?
Họ đã học hành từ đâu hay thất bại từ đâu? Công ty của họ như thế nào? kinh doanh trên lĩnh vực nào, doanh thu khủng ra sao?
Hay thành tựu lớn nhất của họ là lùa được vô số những “cả-tin-viên” vào các lò luyện của họ và giàu lên nhanh chóng từ sự ngây ngô của chính các bạn?
Hiện tượng này phải chăng thể hiện một sự thiếu sót, một lỗ hổng không hề nhỏ trong cách giáo dục về đồng tiền cho thế hệ trẻ ở nước ta?
Tiền có nhiều màu, nhiều mệnh giá, nhưng thực ra chỉ có hai loại được coi là hoa thơm trái ngọt, đó là tiền có mùi mồ hôi của lao động chân chính, và tiền có mùi thơm của trí tuệ. Tất cả các loại giấy bạc có xuất thân khác, sẽ không được gọi là tiền, mà gọi chung là cội nguồn của sự đau khổ. Hoài nghi điều này, bạn có thể tham khảo trường hợp bé Hào Anh năm nào hay những người đã một lần trúng độc đắc.
Sự giàu sang là phần thưởng cho những người sẵn sàng, kiên trì, và cố gắng không ngừng nghỉ nhất.
Tôi may mắn được quan sát, gặp gỡ và làm việc với nhiều người giàu có và thành đạt cả trong và ngoài nước: hơi giàu có, giàu và siêu giàu. Tôi nhận ra một điều: tất cả những người tự thân giàu có một cách chân chính đều có một điểm chung là sự khiêm nhường. Chưa ai dám vỗ ngực xưng tên tôi là người giàu đây này, lại đây tôi dạy cho chút bí quyết cho mà làm giàu.
Trải nghiệm chỉ có giá trị khi nó được chia sẻ bởi chính những người đã trải qua nó. Làm sao bạn có thể học được cách kiếm được triệu đô từ những người vẫn đang kiếm triệu đồng?
Thành công tuyệt nhiên không phải là thứ có thể dễ dàng truyền tải hay vẽ đường thông qua một khoá học cấp tốc vài ngày. Bí quyết một khi đã được chia sẻ, tự thân nó đã không còn là bí quyết nữa. Và quan trọng hơn cả, thành công không đến từ sự bắt chước.
Không phải ai bỏ học giữa chừng để tự kinh doanh đều trở thành Bill Gates hay Steve Jobs với những tên tuổi lừng lẫy như Microsoft hay Apple.
Điểm yếu cốt tử của người Việt đó là kỹ năng và quyết tâm hành động. Tất cả những khoá học làm giàu kiểu như trên đều có một chức năng duy nhất… tiêm cho bạn những liều doping. Trong phút chốc bạn cảm thấy rằng hình như bạn sắp chạm được vào những viễn cảnh giàu sang một cách rất dễ dàng và nhanh chóng. Một loại ma tuý tinh thần gây ảo giác từ những lời chia sẻ có cánh; những câu chuyện thành công rất thật ngoại trừ một điều, không phải là từ chính người chia sẻ.
Đầu tư vào chính bản thân mình thông qua những khoá học là một điều rất nên làm; nhưng điều còn nên làm hơn nữa đó là phân biệt tường minh giữa các khoá học kỹ năng mềm, kỹ năng quản trị thời gian, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phục vụ công việc, với các lớp học làm giàu muôn hình vạn dạng đang mọc lên như nấm sau mưa hiện nay.
Hãy là những nhà đầu tư thông minh và đừng để “tư duy cấp tốc” làm chậm bước phát triển của bạn. Và quan trọng nhất, hãy hành động!
Ở bên ngoài Việt Nam, ngay cả ở những đất nước rất giàu có và thịnh vượng như Anh, Mỹ… không có những lớp học làm giàu siêu tốc như chúng ta; nhưng họ có nhiều triệu thanh niên sẵn sàng và hứng khởi tự thân trải nghiệm cuộc sống. Câu chuyện cậu con trai nhỏ của danh thủ triệu phú David Beckham hai năm liền đi rửa chén tại quán cà phê để kiếm 94 ngàn đồng/giờ chắc chắn sẽ làm nhiều bố mẹ và người trẻ Việt đều cần phải suy nghĩ.
Các bạn nghĩ rằng tham gia một khoá học làm giàu là bạn sẽ giàu? Tôi không chắc, nhưng tôi chắc sau này phần đông các bạn trẻ sau khi đã “nghèo” đi trông thấy sau vài lớp học kiểu như vậy, đều sẽ học được một bài học nhớ đời: hồi đó quá khờ!!!
Mọi thứ trước khi Dễ – thì đều khó.
Hãy để dành “làm giàu không khó” như một câu nói vui lúc trà dư tửu hậu của chính bạn khi đã tự thân giàu có.
Theo VIETNAMNET